Có vô số cơ hội để được tiếp cận với thông tin, tri thức, đó là ưu việt không thể phủ nhận của cuộc cách mạng công nghệ số 4.0 đối với trẻ em. Tuy nhiên, kèm theo đó là nguy cơ rủi ro trước những tác động của thông tin thiếu lành mạnh, an toàn. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ trẻ em thời đại công nghệ số.Để thực hiện hiệu quả quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới công nghệ số, vào năm 2018, chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” đã giúp thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về quyền trẻ em của Việt Nam và các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; đồng thời huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức và mọi người dân trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong thế giới công nghệ số.Báo cáo của các nghiên cứu cho thấy, internet làm tăng tính dễ tổn thương của trẻ em trước những rủi ro và nguy hại, bao gồm sử dụng sai thông tin cá nhân, truy cập vào nội dung độc hại và bắt nạt trực tuyến. Bên cạnh đó, mạng kỹ thuật số như các trang web đen và các tiền tệ kỹ thuật số tạo điều kiện cho các hình thức bóc lột và lạm dụng tồi tệ nhất diễn ra. Trong xu thế chung, các vấn đề trẻ em trong thế giới số trở thành vấn đề mới trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.Nhằm hạn chế những rủi ro trên mạng cho trẻ em, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, các tổ chức hoạt động vì trẻ em có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, phổ biến kỹ năng cho bố mẹ, người chăm sóc trẻ em về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật.Thực tế cho thấy, internet không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Vậy làm thế nào để thế giới công nghệ số an toàn hơn cho trẻ em, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận trực tuyến nhằm mang lại lợi ích cho những em thiệt thòi nhất. Nếu được tận dụng đúng cách và được tiếp cận phổ quát cho mọi người, công nghệ số có thể là nhân tố tạo nên sự thay đổi cho những trẻ em bị bỏ lại phía sau. Đó là trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em sống ở các khu vực khó khăn và khó tiếp cận, kết nối các em với thế giới của những cơ hội và mang lại cho trẻ những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới công nghệ số.Trước những tiềm ẩn khó lường về tác động của công nghệ số tới trẻ em, sự vào cuộc kịp thời của các phòng chức năng, chính quyền các cấp là rất cần thiết. Trong đó, chú trọng đến công tác tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng cho gia đình, nhà trường, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại trẻ em trong thế giới công nghệ số; về trách nhiệm phát hiện thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; các cơ quan, địa chỉ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin vụ việc và hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em nạn nhân bị bạo lực, xâm hại... Từ đó, nâng cao nhận thức của gia đình, xã hội đối với công tác bảo vệ trẻ em, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện.