THẦN TÍCH ĐÌNH THƯỢNG HẢI
(Theo tài liệu Thần tích - thần sắc của Viện Thông tin KHXH)
Đời vua Lý Nam Đế, ở trang Sùng Lộc, thuộc đạo Sơn Nam, phủ Nghĩa Hưng, huyện Thiên Bản có người họ Đào, tên là Lượng, lấy vợ là Trần Thiện Kim. Vợ chồng sống với nhau đã 5,6 năm, ngoài 30 tuổi mà chưa có con, hai vợ chồng liền đến chùa Phủ Minh, trang Tức Mạc, huyện Mỹ Lộc cầu tự. Đêm hôm ấy, ông Lượng nằm mộng thấy một người mình vàng mắt ngọc ở trên điện sáng rực rỡ, lại thấy một người mặc áo chỉnh tề, tay cầm thẻ bài vàng đưa cho ông Lượng, trong đó có ghi một bài thơ, ông Lượng giở ra xem, thơ rằng:
" Kim bài thiên giáng hứa Đào gia,
Vạn cổ danh hương đối hải hà.
Tỵ, Mão chi niên sinh tứ tử,
Ức niên hưởng lộc mộc ân ba."
Nghĩa là:
" Thẻ vàng Trời ban tặng Đào gia
Muôn thuở tiếng thơi khắp hải hà.
Năm Tỵ, Mão sinh ra bốn quý tử
Vạn năm hưởng lộc tựa sóng trào."
Ông Lượng đọc xong tỉnh dậy, vợ chồng tạ lễ ra về. Vào khoảng hai năm, khi bà Kim ra tắm ở giếng đầu làng (tục gọi là giếng Tĩnh), mỗi lần tắm lại thấy hai con rồng múa ở trước mặt. Bà Kim về nói với ông Lượng, ông Lượng lấy làm lạ bèn làm lễ tế tiễn. Năm ấy bà Kim có thai, chỉ ăn hoa quả, thai mãn nguyệt sinh ra một bọc hai người con trai (tức giờ Ngọ ngày mùng 4 tháng giêng, năm Ất Mão (535)). Cách hai, ba năm bà Kim lại có thai, mãn nguyệt lại sinh ra một bọc hai người con trai nữa (tức ngày 19 tháng ba, năm Đinh Tỵ (537)). Bốn người con trai diện mạo khôi ngô kỳ lạ, thân hình cao lớn, mình dài, chân ngắn, dáng tự mình rồng, đều là người khác thường trong thiên hạ. Khi các con lên 13 tuổi, bố mẹ mới đặt tên cho con thứ nhất là Viết Cung, con thứ hai là Viết Hoằng, con thứ ba là Viết Độ, con thứ tư là Viết Quảng. Đặt tên xong cho đi học. Học được một, hai năm, bốn anh em bản tính thông minh, tài năng quán thế, văn võ kiêm toàn, văn chương quán triệt. Năm các con lên 16 tuổi, thân phụ bất hạnh qua đời (tức ngày 11 tháng 5), mẹ con làm lễ an táng ở xứ Đồng Dục, tục gọi là Mả Ông. Bốn anh em chỉ chuyên học nghề võ, giỏi nức tiếng, trong thiện hạ không ai địch nổi. Thời ấy, nhà Vua khai trường kén chọn kẻ sĩ, bốn anh em làm lễ tạ tiên đường và thưa với mẹ là Đức Hoàng Đế mở trường kén kẻ sĩ, để các con vào triều ứng thí. Các Ông đệ nhất, đệ nhị và đệ tứ vào triều ứng thí, còn Ông đệ tam ở nhà phụng dưỡng mẹ già. Mẹ bảo các con ít học, có tài đức gì mà dám vào thi. Bà mẹ không cho đi, thời ba Ông quyết chí xin đi ứng thí, rồi mẹ cũng thuận cho đi. Ba Ông quyết định vào triều ứng thí và thi đỗ khoa Đinh Mùi (587). Ba Ông cùng vào triều bái yết Vua, lúc đó chỗ ba Ông đứng có đám mây che trên đầu, Vua lấy làm lạ bèn phong cho ba Ông làm “Tả dực Đại tướng quân”. Bấy giờ, em và bà mẹ ở nhà bất hạnh bị bệnh qua đời, bèn làm biểu tâu lên Vua xin về cư tang. Vua bằng lòng, ba Ông về làm lễ thành phục thiết đãi dân làng, thân quyến. Việc lễ cư tang ở nhà mới được một năm, chưa mãn phục lại có giặc Ai Lao dấy loạn. Vua được tin vô cùng lo lắng, bèn vời các đình thần hội nghị, nhưng không ai có mưu kế đánh lui được giặc. Vua bè vời ba ông vào triều giúp nước. Ba ông vào bái yết, Vua phán rằng: “nước nhà đang có giặc cướp nổi dậy, Trẫm vời ba Ông ra giúp nước thì Trẫm không lo lắng gì”. Bấy giờ, ba Ông vái lạy trước Vua mà tâu rằng: “Thần xin thay khó nhọ nhà Vua đi đánh giặc”. Vua liền cấp cho ba Ông ba vạn quân và trăm chiếc thuyền, voi ngựa, cờ hồng, gươm giáo chia làm hai đạo quân: Ông đệ Nhất và Ông đệ Tứ dẫn quân tiến theo đường thuỷ, Ông đệ Nhị đem quân tiến theo đường bộ. Quân thuỷ, quân bộ đều đến Bạch Đằng Giang và Hàn Giang. Quân bộ đóng đồn ở núi Thiên Bồng, trấn Thanh Hoa. Quân thuỷ, quân bộ đều tiến đến nơi quân giặc đóng đánh một trận, quân giặc thua chạy, chết đến hơn nghìn tên. Giặc đã được dẹp yên, đất nước thanh bình, bà Ông dẫn quân về triều bái yết Vua. Vua mở tiệc khao thưởng quân sĩ, ban cho ba Ông bạc một trăm lạng, tiền một trăm quan. Yến tiệc xong, ba Ông xin về bản quán (tức trang Đồng Ngân) lễ tạ xuân, huyện Đường. Vua ưng thuận. Ba Ông về làm lễ và mời dân làng đến để khoản đãi. Xong việc, Vua lại vời ba Ông về triều, ban cho ba Ông đi tuần hành, phủ dụ cho dân yên nghiệp làm ăn. Trải qua ba, bốn tháng, ba Ông ngự thuyền rồng đến địa giới sông trang Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, tự nhiên trời đất tối mờ, nước sông đang chảy tự nhiên khô cạn, ba Ông cùng hoá ở sông ấy (tức ngày 10 tháng 11). Nhân dân làm biểu tâu lên Vua, Vua vô cùng thương xót các bậc công thần có công với nước, liền sai đình thần về làm lễ viếng và an táng tại địa giới trang Bình Lãng, tục gọi là xứ Đường Ngòi. Lại cho dựng một ngôi Đình và hai ngôi Miếu làm nơi hương hoả phụng thờ và ban cho nhân dân tiền của công 400 quan. Trải qua các triều đại, đều có linh thiêng hiển ứng nên được sắc phong:
+ Ngày 08 tháng 8, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28(1767) được tặng phong: “Thiên bồng đại tướng trấn cảnh, an dân, hựu quốc, tế thế, tập thúc, tuy lộc, hoằng nghiệp, chí đức, anh võ, chướng linh, hùng tướng, thần đoán, thông duệ, dong quang Đại Vương” – ( Bậc Đại Vương là Thiên bồng đại tướng trấn giữ biên cảnh, giữ yên dân, giúp nước, che chở cho thế gian, tạo nhiều phúc lộc lâu dài, sự nghiệp to lớn, đức độ lớn lao, võ nghệ tài giỏi, linh thiêng, là vị tướng hùng mạnh, quyết đoán như thần, thông minh tài trí, dung mạo sáng ngời).
+ Ngày 16 tháng 5, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) tặng phong: “Chí dũng Đại vương” – (bậc Đại vương dũng mãnh, chí khí kiên cường).
+ Ngày 21 tháng 7 niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1821) tặng phong: “Uy mãnh chi Thần” – (Vị Thần oai phong, mạnh mẽ)
+ Ngày 22 tháng 6 niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844) tặng phong: “Uy mãnh, hoàn hùng chi Thần” – (Vị Thần oai phong, mạnh mẽ, anh hùng tài giỏi, nghiêm nghị, ngay thẳng, thuần phác, chân chính”.
+ Ngày 01 tháng 7 niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887) tặng phong: “Dực bảo trung hưng chi Thần” – (Vị Thần giúp đỡ, bảo vệ sự hưng thịnh trở lại của đất nước).
+ Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) tặng phong: “Linh thuý Trung đẳng Thần” – (Vị Thần bậc Trung đẳng linh thiêng, sâu sắc).