THỰC HIỆN PHÁP LUẬT, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
Những quy định mới về chính sách đối với người có công với cách mạng
26/07/2021 12:00:00

   Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 9/12/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 (Sau đây gọi là Pháp lệnh 02)với nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng.
Pháp lệnh 02 gồm 7 chương và 58 điều, trong đó có bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều, đặc biệt đã bổ sung 2 chương mới đó là: “Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ” và “Nguồn lực thực hiện”. cụ thể:

Pháp lệnh02 cơ bản kế thừa đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng của các Pháp lệnh trước, bao gồm 12 diện người có công với cách mạng; bên cạnh, làm rõ những đối tượng là thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ. Đồng thời, bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân như: người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh 02, đối tượng hưởng chế độ ưu đãi gồm: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Người có công với cách mạng bao gồm:
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
- Liệt sĩ;
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
- Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
- Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;
- Bệnh binh;
- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;
- Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
- Người có công giúp đỡ cách mạng.
Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

Chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Bà mẹ Việt Nam anh hùng là người được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quy định tại Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Để nâng cao chất lượng đời sống cho người có công và thân nhân người có công, trong Pháp lệnh 02 đã định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp hằng tháng với Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) bằng 3 lần mức chuẩn. Mức chuẩn hiện hành theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng/tháng. Như vậy, pháp lệnh 02 đã bỏ quy định trợ cấp tuất theo số con liệt sĩ với Bà mẹ VNAH mà cố định rõ, đảm bảo các bà mẹ VNAH sống tốt mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.
Ngoài ra, nếu như pháp lệnh hiện hành nêu rõ: “Người phục vụ Bà mẹ VNAH sống ở gia đình được Nhà nước mua bảo hiểm y tế” thì tại pháp lệnh 02 mới đã dành ra Điều 19 quy định chế độ ưu đãi đối với thân nhân của Bà mẹ VNAH. Cụ thể, ngoài bảo hiểm y tế như trên, thân nhân Bà mẹ VNAH sẽ được hưởng trợ cấp một số khoảnkhi Bà mẹ VNAH qua đời hoặc được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH” như:
- Trợ cấp một lần đối với thân nhân khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tặng danh hiệu nhưng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi hoặc được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
- Trợ cấp một lần đối với thân nhân với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng hiện hưởng khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng chết.
- Trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng chết
Nâng cao chất lượng chăm lo người có công
Pháp lệnh 02 đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu quy định tại Điều 5 Pháp lệnh 02, gồm có: Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần; các chế độ ưu đãi khác.
Trong đó, các chế độ ưu đãi khác là:
- Bảo hiểm y tế.
- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe.
- Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên.
- Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm.
- Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
- Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở.
- Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước.
- Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng.
- Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh.
- Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng

Pháp lệnh 02 quy định các hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng:
1. Khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng.
3. Vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
4. Lợi dụng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng để vi phạm pháp luật.

Chi tiết xem tại đây
Bình Lãng quê tôi

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ BÌNH LÃNG - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Trần Xuân Mãng - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: UBND xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0917324179

Email: tranmang1964@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tháng này: 0
Tất cả: 0