Sáng 5.4, với 468/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước. Ông Phúc là Chủ tịch nước thứ 3 được bầu trong nhiệm kỳ Quốc hội 14 Kết quả bỏ phiếu kín trước đó cho thấy, tổng số phiếu phát ra là 477 phiếu, trong đó, có 471 phiếu đồng ý, 5 phiếu không đồng ý và 1 không hợp lệ.Người ký Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Nghị quyết có hiệu lực kể từ khi Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 5.4.2021. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi thức tuyên thệ. Trước đó 2 ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng được Quốc hội bỏ phiếu kín để miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ. Ông Phúc là đương kim Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử được bầu làm Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954 (67 tuổi), quê tại xã Quế Phú, H.Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, trình độ cử nhân Kinh tế. Ông Phúc là ủy viên T.Ư Đảng các khóa X, XI, XII, XIII; là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII. Từ năm 1966, ông Nguyễn Xuân Phúc lên Chiến khu cách mạng, sau đó được Đảng đưa ra miền Bắc đào tạo. Từ năm 1968, ông học phổ thông rồi học đại học tại Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1982, năm nay đã 39 năm tuổi Đảng. Ồng là Ủy viên T.Ư Đảng các khoá X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khoá XI, XII, XIII. Ông tham gia T.Ư lần đầu năm 52 tuổi, tham gia Bộ Chính trị lần đầu năm 57 tuổi. Ông Phúc cũng là đại biểu Quốc hội các khoá XI, XIII và XIV. Kể từ khi tham gia T.Ư vào năm 2006, ông giữ các cương vị: Phó tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chủ nhiệm, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó thủ tướng (từ 2011); và Thủ tướng Chính phủ (từ 2016). Tại Đại hội XIII, ông Phúc cùng ông Nguyễn Phú Trọng là 2 "trường hợp đặc biệt" (quá tuổi quy định) Ủy viên Bộ Chính trị tái cử. Trên cương vị Thủ tướng, ông Phúc được đánh giá là người có phong cách bình dân, gần gũi, quyết liệt trong chỉ đạo và năng động với “570 chuyến công tác lên rừng, xuống biển “ (như trong báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ do ông trình bày trước Quốc hội). Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông được đánh giá cao khi Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu và thế giới có thay đổi lớn về địa chính trị. Theo báo cáo của ông Phúc, đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 3.500 USD. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Trong nhiệm kỳ, Việt Nam cũng ghi được tên tuổi lớn hơn trong khu vực và quốc tế, với thành công trong chống Covid-19, thành công trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nôi tháng 2.2019 cũng như là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11.2017 tại Đà Nẵng. Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội kỳ họp 11 về dấu ấn nổi bật nhất về Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 mà ông là người đứng đầu, ông Phúc nói: "Dấu ấn nổi bật nhất là một Chính phủ vì dân".