Nghị định này có một số điểm mới như các hành vi vi phạm về thủ tục pháp lý môi trường được sửa đổi đồng bộ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; cách thức buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; hướng dẫn cách xác định lưu lượng xả thải; hướng dẫn rõ hơn về xử phạt mẫu chất thải có nhiều thông số vượt quy chuẩn; quy định cụ thể hơn, đầy đủ hơn về xác định thời hiệu xử phạt các hành vi vi phạm; quy định rõ hơn về đối tượng bị xử phạt do vi phạm không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, không phân loại, quản lý, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; phân cấp phân quyền về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính,…
Điểm mới là Nghị định này là đưa thêm các quy định và mức xử phạt các hành vi xả nước thải ra môi trường, vi phạm về cấp phép, đánh giá tác động môi trường và bảo tồn di sản, đa dạng sinh học, quy định xử phạt về hành vi không phân loại rác trước khi thải ra môi trường.
Theo đó, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định, tại chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Hành vi đi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định, bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định, tại chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Đối với hành vi vứt, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường, vào hệ thống thoát nước; đổ nước thải không đúng nơi quy định trên vỉa hè, lòng đường phố, thải bỏ chất thải nhựa vào ao hồ, kênh rạch, sông biển bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng…
Đối với các hành vi không đăng ký môi trường hoặc không có giấy phép môi trường được quy định tại Điều 14 với mức phạt từ 3.000.000 đồng lên tới 170.000.000 đồng đối với hành vi không có đăng ký môi trường hoặc giấy phép môi trường theo quy định.
Đáng lưu ý đối với vi phạm về quản lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định tại Khoản 1, Điều 26 quy định hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Đối với vi phạm về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường quy định tại Khoản 2, Điều 26 quy định các hành vi như không có biên bản bàn giao, không có hợp đồng với đơn vị chức năng hoặc không phân loại, không có thiết bị lưu chứa, tự xử lý, tái chế không đúng quy định ... bị phạt với các mức từ 3.000.000 đồng lên đến 50.000.000 đồng.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định tại Khoản 1 Điều 41 đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ra đời. Đây sẽ là hành lang pháp lý giúp cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở tiếp tục vào cuộc với quyết tâm cao góp phần tạo kỷ cương, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân.