LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN XÃ BÌNH LÃNG
1. Nguồn gốc tên gọi
Nguồn gốc tên gọi: chưa xác định được tên gọi Bình Lãng bắt đầu được sử dụng từ bao giờ. Tuy nhiên, theo bia đá "An Lạc tự hồng chung bi ký" ở An Lạc Tự (Chùa Núi) được khắc ghi vào năm Mạc Đoan Thái thứ 3 (1588) có nhắc đến tên "xã Bình Lãng" bên cạnh tên Tứ Kỳ và Hải Dương. Như vậy năm 1588 được xác định là năm muộn nhất mà tên Bình Lãng được sử dụng.
2. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Bình Lãng có hình dáng tựa như một con dao cầu đang thái thuốc với chuôi dao là Khổng Lý và vốn có lãnh thổ là một bán đảo chồi ra phía đông bắc với 3 mặt nước: Sông Cái ở đông bắc, vụng Lạng ở phía Tây, còn phía đông là một phụ lưu của sông Cái chảy về phía thôn An Phòng xã Quang Phục, Phía Tây giáp thôn Lạc Dục (Dọc) xã Hưng Đạo, thôn Ngọc Trấn (xã Tái Sơn); phía nam giáp thôn Thái An ( xã Quang Phục) ; phía đông giáp thôn Toại An ( xã Chí Minh) ; phía bắc giáp sông Thái Bình (Cái).
Địa hình bằng phẳng bên cạnh những “đường đống” (những điểm cao bằng phẳng) như: Đống Dùi, Đống Cao, … (ở Khổng Lý), Đống U, Đường Tam Tiên (thôn Thượng), Đống Xung, Đống Chu, Núi đất ở chùa Núi (thôn Đông), …
Đất đai, bên cạnh đất ở, đất ruộng được chia thành 2 loại là: đất ruộng đồng và đất ruộng triều. Trong đó đất ruộng triều vốn được bồi đắp bởi phù sa sông Thái Bình từ trước năm 1959 khi con đê ngăn lũ chưa được đắp.
Về sông ngòi, Ngoài con sông lớn Thái Bình (Cái), từ trong lịch sử Bình Lãng được bao bọc bởi các con sông nhỏ: sông Dọc (qua Bình Lãng dài 5.8 km- (đoạn chảy qua cửa đình Thượng được gọi là sông Mồ Cối), sông Giếng Cổng (nay không còn) ở Khổng Lý – đó là 2 con sông chảy song hành uốn khúc mà bao bọc lấy một vụng nước lớn gọi là Vụng Lạng; sông Bến (ranh giới tự nhiên với Toại An). Từ năm 1959 thì hình thành thêm con sông đào với tên gọi “sông Máng”.
3. Diện tích và dân số:
Theo Địa bạ mà các sắc mục của xã khai thời vua Gia Long (năm 1805), được sao lại dưới thời vua Tự Đức (năm 1873) thì toàn bộ diện tích của Bình Lãng lúc đó là: 768 mẫu, 5 sào, 4 thước, 8 tấc.
Đến năm 2020 Tổng dân số của Bình Lãng là ...... nhân khẩu với ...... hộ gia đình. Xã có 02 thôn chia thành 09 xóm. Diện tích đât tự nhiên của Bình Lãng là .......h.a.
5. Hành chính
Bình Lãng vốn có 3 làng: Khổng Lý ở phía bắc (tên nôm: Lạng Khổng), Thượng ở phía tây (tên nôm: Lạng Thượng) và Đông ở phía đông (tên nôm: Lạng Đông). Điều đó được ví von qua câu “Đầu Trắm đuôi Mè giữa khe Tam Lạng”. Văn bản cổ nhất hiện còn có nhắc đến tên "Thượng thôn" (thôn Thượng) là bản rập văn bia “Phụng sự Nguyễn gia bi ký” và mặt bia "Hậu đường" khắc ghi năm Chính Hòa thứ 3 (năm 1682) ở xã Ô Mễ; còn văn bia “Thái phụ Nguyễn Thị Trị sản trí phú tự sự bi ký” ở lăng Bà Bổi Lạng năm 1720 là văn bia sớm nhất hiện còn nhắc đến tên thôn Đông và Khổng Lý. Từ khoảng năm 1947, 1948 có 2 thôn là Thượng và Đông. Mỗi thôn lại chia thành nhiều xóm. Trước năm 1945 còn có thêm một loại tổ chức của các họ lớn đó là “giáp”.
Trước năm 1945, đứng đầu xã là 1 lý trưởng và 1 phó lý. Đây là những “lý dịch” tiêu biểu để thực hiện các ý chí của “Hội đồng kỳ mục” mà đứng đầu là tiên chỉ và thứ chỉ. Từ năm 1921 có thêm “Hội đồng hương chính” với người đứng đầu là “Chánh hương hội” và “Phó hương hội” được bầu ra từ 20 tộc biểu. Lý trưởng Bình Lãng cuối cùng (trước 25/8/1945) là ông Nguyễn Tất Quyền (1911 - 1951)-ông là Phó chủ tịch lâm thời, UB hành chính 1945-1946. Trong thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ủy ban Hành chính xã được thành lập; từ 1976 đến hiện nay là Ủy ban Nhân dân xã mà đứng đầu là chức danh “chủ tịch”. Vị chủ tịch xã đầu tiên (1945 -1949) là ông Nguyễn Ngọc Giản (1903 - 13/tháng giêng/1951 A.L) người thôn Đông. Chi bộ xã Bình Lãng đầu tiên được thành lập ngày 15/11/1947, ông Nguyễn Tất Lĩnh là bí thư đầu tiên. Năm 1960, Chi bộ phát triển thành Đảng bộ, thời gian sau (năm 1964) thì lập 2 chi bộ ở 2 thôn (ở thôn Thượng và thông Đông). Hiện nay Đảng bộ xã Bình Lãng có ...... đảng viên sinh hoạt tại 07 chi bộ (02 chi bộ nông thôn, 03 chi bộ nhà trường, chi bộ Dân quân cơ động và chi bộ Công an). Bí thư Đảng bộ hiện nay là Ông Nguyễn Ngọc Cùng (Nhiệm kỳ 2020-2025). Mặt trận tổ quốc và 04 đoàn thể Chính trị - xã hội trực thuộc
UBND xã hiện nay (nhiệm kỳ 2021-2026) có 11 cán bộ, công chức giúp việc. Chủ tịch UBND xã là Ông Trần Xuân Mãng.
Theo tâm niệm của cư dân xưa kia thì “Phép vua thua lệ làng” cho nên lệ làng hay là hương ước có một vị trí quan trọng và hiệu lực rất lớn. Bình Lãng đã có một bản hương ước cổ từ lâu. Sau năm 1921, người Pháp thực hiện cuộc Cải lương hương chính, Hương ước mới được ban hành năm 1936 có kế tục bản hương ước cổ. Tuy nhiên, sau Cách mạng tháng Tám, bản hương ước này cũng chấm dứt hiệu lực. Hiện nay cả hai thôn đều có Quy ước của thôn mình. Quy ước của hai thôn là văn bản quy định chung cho nhân dân trong thôn thực hiện.
7. Giao thông
Trong lịch sử, đường làng là những đoạn đường bộ đất ngoại trừ Khổng Lý có đường làng bằng hai hàng đá phiến xanh. Năm 1996, dưới thời chủ tịch Nguyễn Văn Hiến, đường giao thông toàn xã được rải đá. Từ năm 2006 đường làng dần được làm bằng bê tông. Giao thương bên ngoài còn có đường thủy mà Đò Lạng là một điểm trung chuyển quan trọng đã hình thành từ lâu đời, đường bộ thì qua Cầu Mai – Đó là 1 cầu đá trước khi bị Pháp phá; một con đường bộ khác từ cửa Đình Thượng đến trước chùa Đống Nương – Thái Lãng gọi là ngã ba Hoa.
Hiện nay hệ thống đường giao thông của xã Bình Lãng đã khang trang, sạch đẹp. Con đường trục xã từ Doanh trại bộ đội về đến cây đa xóm Miếu (xóm Chi Lê) đã được trải nhựa chắc chắn, khang trang. Đoạn đường sang thôn Thái An (xã Quang Phục) cũng đã được bê tông hóa từ năm 2017. Trong làng, đường làng ngõ xóm 100% đều được bê tông hóa.
8. Kinh tế
Nông nghiệp trồng lúa vẫn là ngành kinh tế chủ yếu của người dân; ngoài ra, trong lịch sử Bình Lãng còn có một nghề đặc trưng đó là nghề tiện (ở Khổng Lý). Xưa kia, “chợ làng” ở Bình Lãng là Chợ Lạng (trước mặt chùa Chợ) nơi trao đổi hàng hóa của người dân 3 làng. Sau chợ Lạng tan dã, đầu thập niên 2000, ở mỗi thôn lại có 1 chợ riêng với tên gọi: chợ Đình (Thượng) và chợ Đình (Đông) (vì được tụ họp trước mặt 2 ngôi đình của 2 làng).
Ngoài chợ làng, trong lịch sử người dân còn giao thương buôn bán với rất nhiều các chợ khác ở các huyện giáp Tứ Kỳ như Thanh Hà, Gia Lộc. Sau hình thành nên tập quán “buôn chuyến” ở các tỉnh xa của cư dân làng Thượng.
Trong thời kì “hợp tác xã nông nghiệp” (1958 – 1993), ở mỗi thôn đã thành lập 1 hợp tác xã: Hợp tác xã Thượng Hải ở thôn Thượng, Hợp tác xã Đông Phong ở thôn Đông. Mỗi hợp tác xã lại lập ra các đội sản xuất nông nghiệp như ở thôn Khổng Lý lập đội sản xuất Quang Trung, xóm Ngõ Bàng có đội sản xuất Hồng Quang, xóm Đầu Cổng lập đội sản xuất Minh Sơn, xóm Đình (Đông) lập đội sản xuất Bắc Sơn, xóm Miếu lập đội sản xuất Chi Lê, ... Hiện nay kinh tế Bình Lãng phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm rõ rệt, tỉ lệ hộ giàu, hộ khá tăng không ngừng.
9. Lược sử
Trong 3 làng ở Bình Lãng thì chỉ có làng Thượng là có “Tổ ốc miếu” thờ Tổ ốc đại thần (người có công đầu tiên khai phá vùng đất). Vấn đề đặt ra là, ông “Tổ ốc” đó là của làng Thượng hay của cả 3 làng. Có lẽ đó chỉ là ông lập ra làng Thượng vì trước năm 1945, trong lễ tế của các làng chỉ duy có làng Thượng là rước “Tổ ốc đại thần” còn các làng thì không. Tuy nhiên, với việc chỉ riêng làng Thượng có “Tổ ốc miếu” rất có thể những người đầu tiên đến khai phá vùng đất Bình Lãng đã định cư ở thôn Thượng đầu tiên.
Những bằng chứng tồn tại đến ngày nay chỉ mô tả tóm lược được lịch sử Bình Lãng từ quãng thời Trần khi gần đây các nhà sư ở chùa Núi khai quật được một hình linh vật của ngôi chùa này có niên đại khoảng thế kỉ XIII – XIV.
Sang thế kỉ XVI, những dữ liệu bắt đầu nhiều hơn khi ông Nguyễn Sách Hiển được lưu truyền tên vì ông đỗ tiến sĩ năm 1580, hay những hoạt động của gia đình người phụ nữ họ Nguyễn Tất mà sau này là “Vương phủ đệ tam cung tần” (Bà Chúa Chén). Bia đá “An Lạc tự hồng chung bi ký” khắc năm Đoan Thái thứ 3 (1588) thì nhắc đến những người ở thôn Đông công đức đúc chông chùa Núi đến từ họ Trần, họ Phạm, họ Nguyễn Khắc, Nguyễn Văn, … Đây cũng là thời kì mà họ Nguyễn Tá (gốc Đào) về định cư ở thôn Đông.
Giữa thế kỉ XVII, thôn Đông có ông Nguyễn Tá Tướng đỗ tiến sĩ; ông Khương Thế Hiền ở thôn Thượng đỗ tới thám hoa (tên được ghi trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư).
Sang thế kỉ XVIII, có bà Bổi Lạng ở thôn Đông nức tiếng giàu có. Khi về già bà làm một cái lăng bằng đá, trên bia đá cạnh lăng có liệt kê 25 xã, thôn, giáp trong huyện mà bà công đức ruộng hoặc tiền trong đó có cả 3 thôn ở Bình Lãng: Khổng Lý, Thượng, Đông.
Giữa thế kỉ XIX, bia đá hiện còn nhắc đến việc tu bổ Đình Thượng năm 1851 và Chùa Núi năm 1866.
Đầu thế kỉ XX, Đình Thượng được xây dựng lại khang trang (năm 1916) như ngày nay.
Cách mạng tháng Tám thành công ở Bình Lãng ngày 25/8/1945 do sự lãnh đạo của các ông Nguyễn Tất Đỉnh, Khương Viết Chủy (thôn Thượng), Nguyễn Đức Nghìn (Khổng Lý).
10. Tộc họ
Mốt vấn đề được tranh luận nhiều nhất là dòng họ nào đã định cư đầu tiên ở Bình Lãng? Đó là câu hỏi chưa có lời giải bởi những nguồn tài liệu hiện còn chỉ chứng minh được ở mỗi thôn. Thôn Khổng Lý thì dường như là họ Nguyễn Đức đã định cư sớm hơn cả. Ở thôn Thượng, người dân vẫn còn truyền câu “Khương gia tiên tổ. Nguyễn gia tiên tổ” hay “Nhân nhân hấp Nguyễn, Khương chi tục”. Vậy là Nguyễn, Khương chính là 2 dòng họ đã định cư sớm nhất ở đây. Thêm nữa, tiến sĩ Nguyễn Sách Hiển thì sinh năm 1545 còn Bà Chúa Chén (theo tài liệu họ Vương ở Ô Mễ) người họ Nguyễn Tất thì sinh năm 1589 nhưng ông nội của bà là cụ Nguyễn Dụng (tự Phúc An) đã sinh ra và lớn lên ở thôn Thượng. Với sự khá tương đồng về thời gian đó, cho nên họ “Nguyễn gia tiên tổ” ở đây là họ Nguyễn Sách, Nguyễn Tất.Tấm bia đá “An Lạc tự hồng chung bi ký” ở chùa Núi (làng Đông) khắc ghi năm 1588 đã nhắc đến những người công đức đúc chuông đến từ họ Trần, Phạm, Nguyễn, …Ngày nay Bình Lãng có rất nhiều dòng họ (Khương, Trần, Lê, Trịnh, Nguyễn Tất-Sách-Tá-Đức-Văn-Ngọc-Đình-Kim-Khắc-Hanh-Đắc-Bá-Quang-Trọng-Tiến-Danh, Phạm, Phan, Hoàng, Vũ, Bùi, Đỗ, Đặng, Đinh, Trương) nhưng mức độ phổ biến lại khác nhau. Có những họ chỉ định cư duy nhất ở 1 làng như họ Nguyễn Đức, Nguyễn Đắc ở Khổng Lý; họ Khương, Nguyễn Tất, Nguyễn Sách, Lê chỉ có ở thôn Thượng; họ Nguyễn Tá, họ Trần lại chỉ có ở thôn Đông. Tuy nhiên, cũng có những dòng họ lại định cư ở cả 3 làng như họ Nguyễn Ngọc, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình.
11. Giáo dục
Trong suốt thời phong kiến, Bình Lãng có 3 vị đỗ tiến sĩ: Nguyễn Sách Hiển (1580), Nguyễn Tá Tướng (1617 – 1655) đỗ tiễn sĩ năm 1646, tử trận khi đi đánh chúa Nguyễn), Khương Thế Hiền (thám hoa, năm 1650). Ngoài ra còn có 2 vị đỗ hương cống dưới thời Vua Lê chúa Trịnh là Nguyễn Tá Triều (1652 – 1725) và Nguyễn Tá Dong (giữ chức Huấn đạo). Như vậy số lượng tiến sĩ của Bình Lãng chỉ kém các xã trong huyện là Mỗ Đoạn và La Xá.Trước Cách mạng tháng Tám, Đình Thượng là một nơi diễn ra các hoạt động giáo dục trên địa bàn xã. Năm 1953, Trường cấp I được thành lập (ông Vũ Viết Thanh là hiệu trưởng đầu tiên). Năm 1966, Trường cấp II ra đời với hiệu trưởng đầu tiên là ông Trịnh Đình Sính (1933 - 1974) (người thôn Đông).
12. Văn hóa, tâm linh
Với tâm thức “Chuông làng nào làng đấy đánh. Thánh làng nào làng đấy thờ”, trước năm 1945, mỗi làng đều có 1 ngôi đình để thờ các vị thành hoàng (vị thần bảo trợ cho làng). Đình thực sự là một trung tâm của mỗi làng bởi đây là nơi họp bàn việc làng và diễn ra các hoạt động văn hóa hàng năm như tế Thành hoàng, …
Đình Khổng Lý thờ thành hoàng là ngài Khổng Phàm cư sĩ đại vương với các ngày lễ truyền thống là mồng 5 tháng Giêng và mồng 10 tháng 11, Đình Thượng thờ thành hoàng: Thiên Bồng đại tướng trấn cảnh đại vương – Đào Hoằng, Đình Thượng vốn còn thờ Bà Chúa Chén và gia đình nhà bà; Đình Đông thờ thành hoàng: Hướng Thiện cư sĩ đại vương – Đào Cung với các ngày lễ quan trọng là mồng 4 tháng giêng và mồng 10 tháng 11, ngoài Thành hoàng, Đình Đông vốn thờ Bà Bổi Lạng và gia đình bà làm hậu thần.
Các vị thần như Thành hoàng ở cả 3 làng đều nhận được nhiều sắc phong của các vua kể từ giữa thế kỉ XVIII.
Làng Thượng có 2 chùa (chùa Cầu Mai (đầu thế kỉ XXI có tên là "Linh Quang tự" với sư trụ trì đầu tiên là: Thích Nữ Diệu Hiền kể từ ngày 16/6/2010 âl; lễ hội truyền thống vào 18 tháng giêng âl; ngày 09/9/Đinhh Dậu-2017 nhà chùa đã đúc quả chuông 700 cân) và chùa Chợ), 4 miếu (miếu Hoàng cô Bến Ả theo truyền thuyết là thờ bà cô mà đã báo cho dân làng biết về sự hóa thân của các vị Thành hoàng, hoàng cô Cầu Mai, miếu Tổ ốc, miếu Thiên Bồng). Đình Thượng được xây dựng từ lâu và được tu bổ lớn vào các năm 1851 và 1916. Giếng đình Thượng được hình thành từ 1 sào ao mà bà Chúa Chén đã cung tiến từ đầu thế kỉ XVII để mua hậu thần cho cha bà là ông Nguyễn Vũ Nghị (thụy Phúc Khang)
Làng Đông có 2 chùa (chùa Núi (hội vào 26/8 âl) và chùa Thầy), 1 miếu ở cuối làng, 1 đền (mà bi ký hiện còn nhắc đến việc xây dựng một “Thạch giá kiều” (cầu đá) bắc vào đền với “nhất gian tứ trụ” – 4 cột vào năm Duy Tân thứ 9 – năm 1915. Chùa Núi (An Lạc tự) được hình thành muộn nhất là thời Trần vốn được tọa trên núi đất. Chùa có nhiều bia đá trong đó tấm bia cổ nhất khắc ghi năm 1588 dưới thời Mạc.
Sách Tứ Kỳ địa dư phong vật chí có tả về ngôi chùa “thôn Đông, xã Bình Lãng có một núi đất cao chon von, dáng vẻ thanh tú đáng yêu. Phía trước có dòng suối uốn lượn, quanh co. Vốn xưa trên đỉnh núi có một ngôi chùa cổ nay vẫn còn. Đời vua Minh Mạng, người dân ở đất này dời chùa xuống sườn núi”.
Về từ đường (nhà thờ họ), trước năm 1945, ở Bình Lãng có các từ đường của các họ sau: họ Khương, Nguyễn Sách, Nguyễn Tất (thôn Thượng), Nguyễn Tá, Nguyễn Ngọc (xây năm 1854) (thôn Đông).
Trước năm 1945, những người có của ở Bình Lãng thường mua về hoặc xây dựng những căn nhà gỗ lim với lối kiến trúc tinh xảo như nhà của cụ Bá Tuynh (Khương Viết Tuynh), anh em cụ Lý Vuốt (Trịnh Hữu Thổ) (1878 - 1953), Trịnh Thị Hiên (1881-1967) (thôn Thượng), ... Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn nhà gỗ của cụ Trịnh Hưng (cụ Lý Hống) thôn Đông được làm năm 1911, hay nhà gỗ của cụ lý trưởng Trịnh Hữu Thổ thôn Thượng tuy mới được mua về từ thời vua Bảo Đại (1925 – 1945) nhưng nó đã có lịch sử hàng 200 năm.
Các công trình thể hiện sự tài hoa khéo léo của người thợ xưa.
Văn bia ở Bình Lãng còn lại đến ngày nay là ở chùa Núi, Đình Thượng, lăng Bà Bổi Lạng, đền Đông (nơi dường như là thờ một vị thần đất). Nơi giữ những bút tích của các nhà danh Nho trong thiên hạ như thám hoa Nguyễn Quý Đức người Sơn Nam (người soạn văn bia ở lăng Bà Bổi Lạng năm 1720) hay tiến sĩ Nguyễn Quý Tân người huyện Gia Lộc (người soạn văn bia đình Thượng năm 1851),…
13. Nhân vật
Đó là những người con của Bình Lãng được ghi danh vì những đóng góp cho dân làng hay thành danh ở nơi khác:
Quận công Nguyễn/Đào Tá Tích (Ông nội của tiến sĩ Nguyễn Tá Tướng) là quan của nhà Mạc. Sách Tứ Kỳ địa dư phong vật chí thời Nguyễn có kể về ông “thân dài 7 thước, sức khỏe như thần, đỗ cử nhân võ, nắm giữ quân Cẩm y. Sau nhà Lê Trung Hưng giao chiến với nhà Mạc ở sông Nhị Hà. Chúa Mạc bị bao vây, ông liền tuốt kiếm xông vào trận, đột phá vòng vây cứu được chúa Mạc. Ông được phong tước là quận công. Khi nhà Mạc thua chạy lên cao Bằng, nhà Lê dụ ông thần phục nhưng ông than rằng “trung thần không thờ 2 vua” rồi đâm kiếm vào bụng mà chết. Vua Lê khen là bầy tôi trung liệt.”
Bà Chúa Chén (Nguyễn Thị Ngọc Chén) (1589 – 9/8/1626) (theo tài liệu họ Vương cùng những đối chứng bi ký ở Ô Mễ) (***) sinh tại làng Thượng, mất tại Ô Mễ. Bà là vợ của chúa Trịnh Tùng với danh hiệu “Vương phủ đệ tam cung tần”. Sách cổ chép về bà “xã Bình Lãng có 2 vị cung phi: cô là Nguyễn Thị Chén và cháu là Nguyễn Thị Dung, nhan sắc tuyệt trần, tiếng trong như hạc, từng tập nghề ca xướng nổi danh ở đời. Nhà vua nghe tiếng liền mời vào và trọng dụng, phong làm cung phi và ban cho danh hiệu Ngọc Chén, Ngọc Dung.
Bà Bổi Lạng – Nguyễn Thị Trị (1647 – 27/9/1721) sinh và mất tại làng Đông. Lòng nhân từ đã làm bà được ca tụng bằng những từ đẹp nhất: “tố phong”, “thạc nhân” (con người lớn lao).
Hòa thượng Thích Thanh Tố từng trụ trì Côn Sơn Thiên tư phúc tự (chùa Côn Sơn) đầu thế kỉ XVIII.
Ông Nguyễn Tất Đỉnh (1926 - 2019) (thôn Thượng) là con của cụ chánh hội Nguyễn Tất Khánh, ông là người lãnh đạo chủ chốt của cuộc cách mạng tháng Tám giành chính quyền ở xã Bình Lãng năm 1945 (lúc ông 19 tuổi). Đảng viên cộng sản thứ hai của Bình Lãng (tháng 10/1947). Sau ông làm đến chuyên viên Bộ Nông nghiệp (nghỉ hưu năm 1984).
Ông Nguyễn Tất Lĩnh (1926 - 1998) (thôn Thượng) là bí thư xã Bình Lãng đầu tiên (ngày 15/11/1947) (lúc mới 21 tuổi). Huyện đội trưởng Kim Thành (1948 - 1949), một bí danh khác của ông là Mai Tất Lĩnh. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Nhẹ (1900 - 1980) đã ủng hộ cách mạng xã nhiều nhất với 2 chỉ vàng và 1000 đồng bạc Đông Dương.
Ông Nguyễn Ngọc Bảng (1939 - 1993), thôn Đông - Trưởng ty (Giám đốc Sở) Giáo dục Thuận Hải.
Ông Nguyễn Tá Dước (SN 1954) (thôn Đông) – Giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường Hải Dương (2001 - 2013).
Ông Nguyễn Ngọc Thắng (SN 1969) (thôn Đông) – Cán bộ Bộ Xây dựng.
Ông Trịnh Văn Chương (SN 1948) (thôn Thượng) Bí thư Huyện ủy Hải Hà – Quảng Ninh (2002 - 2005).
Ông Nguyễn Ngọc Sẫm (SN 1971) (Khổng Lý) – Chủ tịch huyện Tứ Kỳ (2014 - 12/2020), Bí thư huyện ủy Tứ Kỳ (8/2020)
Ông Trần Hồ Đăng (thôn Đông) (SN 1970) - Chủ tịch UBND TP.Hải Dương (4/2020)
( Bản đồ địa giới hành chính xã Bình Lãng)