Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp; đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam và các tỉnh giáp với tỉnh Hải Dương.
Huyện Tứ Kỳ đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19; tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài vào địa bàn huyện là rất lớn. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 liên quan đến yếu tố từ bên ngoài vào thông qua các hoạt động di cư, giao dịch công việc, vận tải hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện Tứ Kỳ yêu cầu các cơ quan, đơn vị; UBND các xã, thị trấn; các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện thực hiện ngay các nội dung sau:
1. Trung tâm Y tế huyện:
- Chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch mới đáp ứng yêu cầu ứng phó với chủng vi rút biến thể Delta; đồng thời rà soát, thống kê trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế, kịp thời đề xuất ngay việc mua sắm bổ sung vật tư y tế, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.
- Tăng cường xét nghiệm sàng lọc đối với các cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân tại Trung tâm Y tế (bao gồm cả các cơ sở y tế ngoài công lập), các trường hợp ho, sốt, khó thở ngoài cộng đồng, người về từ vùng dịch để sớm phát hiện mầm dịch (nếu có), kịp thời khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng.
- Phối hợp chặt chẽ với Phòng Tài chính – Kế hoạch bố trí, sử dụng ngân sách hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của huyện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế và bảo hộ chống dịch.
- Tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và theo đúng quy định.
2. Phòng Kinh tế và Hạ tầng
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, chấp thuận Giấy nhận diện có mã QR code cho các phương tiện đăng ký "Luồng xanh" theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.
Tứ Kỳ, ngày
tháng 7 năm 2021
- Thống kê các phương tiện vận chuyển hành khách không đăng ký hoạt động vận tải (như xe 100). Yêu cầu các chủ phương tiện/lái xe phải ký cam kết không vận chuyển người ra vào các vùng dịch; khi chở người phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch.
- Hoàn thành phương án vận tải hàng hóa, các trang thiết bị phục vụ chống dịch tương ứng với từng cấp độ cụ thể.
- Chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cấp xã xây dựng và phối hợp quản lý, hoạt động của các chợ trong trường hợp có dịch, bệnh tương ứng với từng cấp độ và xử lý các tình huống phát sinh.
- Chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cấp xã và doanh nghiệp quản lý, kinh doanh các Trung tâm thương mại, siêu thị xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết gắn với phòng, chống dịch, đảm bảo nghiêm ngặt an toàn phòng, chống dịch.
- Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện phương án, kịch bản về việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, trang thiết bị cần thiết để ứng phó với dịch bệnh theo 3 cấp độ.
3. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với UBND cấp xã đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội của huyện.
- Hoàn thiện phương án, kịch bản về cung cấp lương thực, thực phẩm, nông sản khi có dịch bệnh xảy ra tương ứng với 03 cấp độ.
- Phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng để các xe vận chuyển nông sản, lương thực, thực phẩm được cấp thẻ “luồng xanh” nhanh chóng, kịp thời.
4. Ban Chỉ huy quân sự huyện
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cấp xã rà soát, thống kê cơ sở vật chất tại các khu cách ly tập trung và khu cách ly tại các xã, thị trấn tổng hợp tham mưu, báo cáo UBND huyện.
- Phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng đề xuất cải tạo thêm các Khu cách ly tập trung của huyện.
5. Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện
- Chủ động hướng dẫn UBND cấp xã để xác định nguồn lực thanh, quyết toán kinh phí phục vụ các đợt dịch đã qua.
- Chủ trì làm việc với các xã, thị trấn hướng dẫn, bố trí nguồn lực ở 3 cấp độ dịch, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.
- Phối hợp với Trung tâm Y tế, các ngành có liên quan tham mưu cho UBND huyện bố trí nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch với từng cấp độ dịch trong tình hình mới.
6. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội
- Phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
- Chủ động phối hợp với các địa phương nắm chắc tình hình an sinh xã hội ở thời điểm hiện tại và khi diễn biến dịch bệnh ở các cấp độ để tham mưu cho UBND huyện về các chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và BCĐ cấp xã nắm chắc tình hình lao động trên địa bàn, gồm: Số người lao động và làm việc ở tỉnh ngoài và số lao động tỉnh ngoài làm việc tại Hải Dương, tham mưu, đề xuất kịp thời các giải pháp đảm bảo việc làm gắn với phòng chống dịch trong tình hình mới.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn huyện xây dựng Kế hoạch, kịch bản chi tiết ứng phó với dịch bệnh Covid-19 khi có các ca F0 phát sinh tại doanh nghiệp với phương châm 5K + Vắc xin + công nghệ và “3 tại chỗ”( sản xuất tại chỗ- ăn tại chỗ- nghỉ ngơi tại chỗ).
7. Phòng Giáo dục và Đào tạo
- Tham mưu cho UBND huyện tạm dừng các hoạt động giáo dục để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch của địa phương và thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tụ tập – khai báo y tế).
8. Các Đoàn kiểm tra đã được thành lập, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQĐ ngày 27/5/2020 của BCĐ Quốc gia phòng chống COVID-19 "Hướng dẫn phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động" và Quyết định số 572/QĐ-BCĐ ngày 16/02/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại cơ sở lao động.
9. Đài phát thanh huyện và Đài truyền thanh các xã, thị trấn tăng cường tần suất các hoạt động tuyên truyền 5 lần/ngày. Phòng Văn hoá- Thông tin phối hợp với Trung tâm Văn hoá- Thể thao bằng nhiều hình thức tổ chức tuyên tuyền trực quan, sinh động bằng hình ảnh, panô, áp phích về các biện pháp phòng chống dịch tại các nơi công cộng.
10. UBND các xã, thị trấn
- Khẩn trương rà soát, kiện toàn BCĐ phòng chống dịch Covid-19; đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của BCĐ cấp xã, lãnh đạo thôn, khu dân cư và các thành viênTổ Covid cộng đồng, Tổ an toàn Covid tạo mối liên hệ mật thiết giữa BCĐ cấp xã với lãnh đạo thôn, khu dân cư, Tổ Covid cộng đồng về chế độ thông tin báo cáo, xử lý các tình huống đặt ra hàng ngày, hàng giờ, đảm bảo chặt chẽ, an toàn trong phòng, chống dịch.
- Xây dựng phương án, quy trình, kịch bản đối với việc xuất hiện ca bệnh F0 trên địa bàn. Trong phương án, quy trình, kịch bản phải thể hiện rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và từng người có liên quan, đồng thời chỉ rõ sự phối hợp của các lực lượng có liên quan.
- Thực hiện giám sát việc giao nhận hàng đối với các chủ doanh nghiệp/lái xe từ tỉnh ngoài về, đảm bảo nghiêm ngặt an toàn phòng, chống dịch. Đối với lái xe 100 khi về địa phương từ vùng có dịch phải khai báo y tế và thực hiện việc cách ly như F1.
11. Các ban ngành trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp và tham mưu cho UBND huyện, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của dịch bệnh Covid-19 vào địa bàn huyện.
12. Đề nghị các đồng chí Thường vụ huyện uỷ phụ trách khu, huyện uỷ viên phụ trách xã, Bí thư đảng và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có trách lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa bàn được phụ trách. Chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh do lỗi chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh./.